Có những người quyết định khởi nghiệp kinh doanh từ rất sớm, vì họ đã có cho mình hoài bão từ lâu, một dự định được ấp ủ và một đam mê rõ ràng. Họ hiểu được bản thân mình cần, muốn gì và theo đuổi điều đó.
Nhưng không phải ai cũng may mắn đến vậy. Hầu như chúng ta lựa chọn từ bỏ một công việc cố định để chuyển sang khởi nghiệp thường là vì cảm thấy không hạnh phúc, không thỏa mãn với vị trí hiện tại của mình. Nên chúng ta tìm kiếm sự thay đổi. Nhưng điều này thường mang tính cảm xúc, vì vậy mới sinh ra cảm giác băn khoăn. Bên cạnh đó, còn có một số các lý do thường gặp khác như muốn kiếm được nhiều tiền, muốn được làm điều mình thích, muốn được tôn trọng, được chú ý. Đây là những lý do nhất thời, sẽ thay đổi theo thời gian chứ không cố định mãi mãi.
Ở mỗi giai đoạn, cái “cần” ở mỗi người sẽ khác nhau. Dễ nhìn thấy nhất là lúc trẻ, bạn cảm thấy kiếm tiền là điều quan trọng nhất. Chúng ta khao khát kiếm tiền. Có thể khởi nghiệp startup không phải là một công việc mà bạn thích, bạn cũng không có đam mê về một lĩnh vực nhất định nào, nhưng với suy nghĩ khởi nghiệp kinh doanh có thể mang lại nhiều tiền hơn, nhiều người sẵn sàng dấn thân vào chiến trường. Nhưng sau đó, ở độ tuổi tài chính đã ổn định hơn thì có thể bạn sẽ hướng đến những điều khác, tìm kiếm sự cân bằng, sự ghi nhận của đám đông. Vậy nên ở mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau cho cùng một câu hỏi.
Làm thuê được gì?
1. Được làm đúng thế mạnh, sở trường của mình
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, bạn được lựa chọn ngành nghề và học thêm 4 năm đại học để tích lũy kiến thức. Khối lượng kiến thức này đủ để bạn biến nó thành thế mạnh và sử dụng nó tại một công ty sau khi ra trường. Đi làm giúp bạn có được kinh nghiệm nền tảng vững vàng hơn và là nền móng giúp bạn phát triển hơn sau này. Nếu bạn lựa chọn khởi nghiệp kinh doanh, làm tốt bạn sẽ nhận được tất cả, nhưng nếu làm sai bạn sẽ phải tự trả giá cho cái sai của mình. Nếu bạn lựa chọn phát triển bản thân bằng một công việc ổn định, bạn có thể vừa được học, vừa được làm, dù sai nhưng vẫn sẽ được trả lương.
2. Được hướng dẫn, học hỏi
Dù cho bạn có năng khiếu, tài năng thiên bẩm về một ngành nghề nào đó thì việc có được một người thầy để học hỏi kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết. Người thầy này sẽ khai phá được năng lực còn ẩn rất nhiều trong con người bạn. Cách tốt nhất là tìm và làm việc cùng những người thầy ấy. Đó có thể là sếp, là quản lý của bạn. Trong quá trình làm việc bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Và hãy nhớ, bạn hoàn toàn có thể chọn sếp, bạn có quyền lựa chọn muốn đi theo để học tập người này hay không.
3. Có được sự ổn định về thời gian
Nhiều người khởi nghiệp kinh doanh khẳng định việc kinh doanh riêng không hề dễ dàng. Nếu thời gian đi làm ở công sở là 8 tiếng mỗi ngày thì người chủ doanh nghiệp có thể phải bỏ ra thời gian gấp đôi. Họ phải xử lý công việc đến tối muộn, vì họ phải gánh vác cả một doanh nghiệp với nhiều con người.
Làm thuê mất gì?
1. Mất tiền bạc
“Không ai giàu có mà cả đời làm thuê cả”, chắc bạn đã từng nghe câu nói này. Nghe phi lý nhưng đó lại là thực tế. Ai cũng nhìn thấy khi đi làm thì giá trị bạn làm ra không bao giờ tương xứng với thứ bạn nhận được. Bản chất của tư bản là vậy. Đó là giá trị thặng dư. Người chủ sẽ lấy phần đấy của bạn. Bạn luôn là người thiệt trong trò chơi này. Khi bạn không còn giá trị cho tổ chức, bạn sẽ bị đào thải. Tuy nhiên, thế nào là giàu, thế nào là nghèo còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nếu bạn là người có lối sống an phận, đối với bạn, giàu là khi có đủ ăn đủ mặc, có một chút tiền dư để dành thì làm thuê vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng được vấn đề này.
2. Mất sự tự do
Nếu bạn đang đi làm tại một công ty du lịch, bạn sẽ chẳng thể nghỉ được vào ngày người ta nghỉ để đi chơi. Bạn cũng chẳng thể nghỉ lúc người ta đi chơi nếu bạn làm ăn uống. Hoặc vào một ngày trong tuần, bạn sẽ chẳng thể bỏ việc ngang để đi cafe cùng hội bạn. Bạn sẽ chỉ được nghỉ vào những ngày cố định, theo thỏa thuận giữa bạn và công ty. Nói cách khác, làm thuê giống như việc bạn bán sức của mình để lấy tiền, vì vậy bạn phải thích nghi với môi trường và quy tắc ở đó. Tức là mất tự do (một phần nào đấy) tùy theo môi trường.
Khởi nghiệp kinh doanh bạn được gì?
1. Tự quyết định được thu nhập của bản thân
Khởi nghiệp kinh doanh, tự làm chủ, nghĩa là bạn làm việc cho chính mình. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, không phải phụ thuộc ai. Chính bạn là người quyết định mức thu nhập của mình. Và thường tự kinh doanh thì lúc nào cũng nhiều tiền hơn là đi làm thuê cả. Tuy nhiên đó là trường hợp bạn làm ăn thuận lợi. Có rất nhiều người khởi nghiệp startup lần đầu thất bại rồi lại quay lại con đường làm thuê, và còn gánh một khoản nợ. Vì vậy thu nhập cao là có, nhưng nó sẽ đúng với những trường hợp đã chuẩn bị kỹ về kiến thức khởi nghiệp và phải cần thời gian để bạn làm quen, chiến đấu trên thương trường nữa.
2. Có được sự phát triển toàn diện nhanh chóng hơn
Để sống sót trên thương trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bạn sẽ cần nhiều kỹ năng để có thể tồn tại và phát triển sự nghiệp. Bởi vậy các kỹ năng của bạn sẽ được “trường đời” hoàn thiện một cách mạnh mẽ và nhanh khủng khiếp. Chuyện này sẽ khiến cho cuộc đời của bạn trở nên thú vị và đáng sống hơn rất nhiều.
3. Sự bền vững về dài hạn
Những kiến thức, kỹ năng mà bạn trau dồi trong hành trình khởi nghiệp kinh doanh của mình sẽ tồn tại theo thời gian. Lâu dần nó càng trở nên dày dặn và giúp ích cho bạn trong tương lai. Không như việc đi làm và nhảy việc giữa các công ty. Mỗi lần như thế bạn sẽ phải tốn thời gian chứng minh năng lực, sự phù hợp với văn hóa môi trường lại từ đầu. Ở đây bạn tự xây dựng ra môi trường của chính mình và sống chết với nó.
4. Sự công nhận
Đứng ra tự kinh doanh, bạn đã làm điều mà ít có người dám làm và bạn hoàn toàn xứng đáng có được sự ghi nhận và tự hào về điều đó. Nhất là đối với người thân trong gia đình, đối với quan điểm của người Á Đông, cứ làm chủ đã là một đẳng cấp rất khác rồi.
Khởi nghiệp kinh doanh đánh mất gì?
1. Một số mối quan hệ từ trước
Khởi nghiệp startup cần bạn đầu tư thời gian để xây dựng các mối quan hệ mới, với đối tác, với khách hàng. Vì vậy, thời gian bạn dành cho bản thân và các mối quan hệ từ trước sẽ giảm đi. Điều này khiến bạn trở nên xa cách hơn với người yêu, bạn bè và gia đình. Thậm chí khi bạn thay đổi về nhận thức, nhiều khả năng bạn sẽ không còn muốn duy trì những gì bạn đã và đang có.
2. Sự thoải mái, yên tâm
Người làm kinh doanh chính là người biết chấp nhận rủi ro. Bạn không thể đoán trước được liệu kế hoạch khởi nghiệp của bạn sẽ thành công hay thất bại. Thậm chí có khi đang thuận lợi, chỉ cần một khủng hoảng xảy ra cũng làm bạn trắng tay lúc nào không hay. Cho nên làm kinh doanh rủi ro hơn đi làm thuê rất nhiều. Bạn phải đánh đổi sự an yên khi đi làm công với rất nhiều áp lực. Nếu đi làm thuê bạn có bảo hiểm thất nghiệp, nhưng tự kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu. Mọi rủi ro bạn phải gánh chịu hết.
Thật ra, dù bạn làm thuê hay khởi nghiệp đều có mặt lợi và bất lợi. Quan trọng tại mỗi giai đoạn, bạn đang mong muốn và ưu tiên điều gì hơn. Xác định được điều đó trước, sau đó hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang để chiến đấu. Ở cả 2 phương diện, làm thuê hay khởi nghiệp bạn đều có thể phát triển bản thân mình. Làm thuê bạn vẫn có thể học hỏi, tham gia thêm các khóa huấn luyện để trau dồi chuyên môn và thăng chức. Mỗi vị trí đều sẽ có lộ trình thăng tiến. Còn nếu bạn chọn khởi nghiệp kinh doanh, hãy chuẩn bị kỹ cho mình đầy đủ kiến thức để làm hành trang chuẩn bị ra khơi.